Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Gửi các bạn cùng chiêm nghiệm cho vui

Chào các bạn. Mình xin gửi các bạn bản tóm tắt của Kinh Hiền Nhân để các bạn tham khảo, chiêm nghiệm cho vui.

Các quan tâm đến đạo Phật có thể tham khảo cuốn: Bước đầu học Phật do HT Thích Thanh Từ biên soạn theo đường link dưới đây. Đây là cuốn sách mình tin là sẽ rất bổ ích.

http://www.buddhismtoday.com/viet/batdau/buocdauhocPhat.htm

“Ở đời có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng mực, thân lâu sẽ sanh khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nổi cặn. Gần người hiền được thêm trí huệ, ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thấy nhau thường thì hay khinh lờn, xa nhau quá thì thành thờ ơ.Do đó, giao tiếp qua lại với người lành nên có chừng mực, thân mà có cung kính thì thân lâu càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở không thực thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết hợp, cũng không tin”.

“Bạn có bốn thứ: Một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất. O

Sao gọi là kết bạn như hoa? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Bạn loại này cũng thế; hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại làm lơ.

Sao gọi là kết bạn như cân? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ xa nhau.

Sao gọi là kết bạn như núi? Hòn núi vàng loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế khi sang thì sang với nhau, khi vui đồng vui.

Sao gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sinh. Làm bạn để nuôi dưỡng ủng hộ, ân hậu không quên. “

“Người có trí có bốn việc không nên tin: Một là bạn tà ngụy; hai là bề tôi nịnh siểm; ba là vợ yêu nghiệt; bốn là con bất hiếu. Ấy là bốn cái không tin theo. Vì thế, kinh dạy: Bạn tà hại người, tôi nịnh hại triều, vợ yêu nghiệt phá nhà và con bất hiếu hại cả cha mẹ”.

“có mười sự chứng tỏ đó là người trí: một là biết kẻ hiền, người ngu; hai là biết kẻ sang, người hèn; ba là biết kẻ giàu, người nghèo; bốn là biết việc nào khó việc nào dễ; năm là biết việc nào đáng bỏ, việc nào nên làm; sáu là biết nhiệm vụ của mình; bảy là vào nước nào biết được phong tục nước ấy; tám là biết được chỗ trở về; chín là học rộng hiểu nhiều; mười là biết được túc mạng. Mười việc đó chứng tỏ người có trí. Kinh dạy: “Khi tai nạn gấp rút mới biết được lòng bạn, có đánh nhau mới biết kẻ yếu người mạnh, có luận nghị mới biếtđược người trí người ngu, lúc cơm thua gạo kém mới biết người có lòng nhân.”

“có tám điều kiện để được an ổn: một là được của cha mẹ để lại; hai là có nghề nghiệp bảo đảm lấy sự sống của mình; ba là học thức cao; bốn là có bạn hiền; năm là có người vợ trinh lương; sáu là được người con hiếu thảo; bảy là tôi tớ được hòa thuận; tám là lìa xa việc ác”

có tám cái thích: một là cùng làm việc với người hiền; hai là được học với bậc thánh nhân, ba là tánh thể nhân từ và ôn hòa; bốn là sự nghiệp mỗi ngày mỗi hưng thịnh; năm là diệt được tánh giận dữ; sáu là biết phòng ngừa tai nạn; bảy là biết nương gần đạo pháp; tám là bạn bè không dối gạt nhau”.

có mười trường hợp khó có thể khuyên can: Một là tham lam che mất lương tri; hai là tham đắm sắc đẹp; ba là ưa danh vọng địa vị; bốn là kẻ ngang tàn bạo ngược; năm là kẻ nhút nhát; sáu là kẻ khờ khạo lừ đừ; bảy là kẻ kiêu ngạo buông lung; tám là người ưa đấu tranh; chín là người chấp tập tục si mê; mười là kẻ tiểu nhân”.

“có mười trường hợp mà mình không nên nói với người: Một là kẻ ngạo mạn; hai là kẻ ngu độn; ba là kẻ hay lo sợ; bốn là kẻ ham vui chơi; năm là kẻ hay e lệ; sáu là kẻ câm ngọng; bảy là kẻ cừu hận; tám là kẻ đói lạnh; chín là kẻ mắc nhiều việc; mười là người đang tham thiền tịnh lự”

“có năm tính tốt này thì được người cung kính:

Một là nhu hòa nhẫn nhục; hai là cung kính và có tín tâm; ba là mau mắn và ít nói; bốn là lời nói đi đôi với việc làm; năm là đối với bạn càng lâu càng thân hậu. Trong kinh có câu: “Nếu biết thương lấy mình thì phải dè dặt giữ mình”.

“Có mười kẻ mà mình không nên mời về nhà: Một là thầy ác; hai là bạn tà; ba là kẻ hay khinh bỉ bậc thánh; bốn là kẻ hay nói tráo trở; năm là kẻ dâm ô; sáu là người thèm rượu; bảy là kẻ có tánh xấu; tám là người không biết ân nghĩa; chín là đàn bà con gái mất nết; mười là kẻ tỳ thiếp ưa trang sức”

“Có tám điều kiện để được an vui: Một là vâng thờ kính thuận các sư trưởng; hai là đem sự hiếu thuận dạy cho dân; ba là khiêm nhường kẻ trên người dưới; bốn là phải tập tánh nhân đức ôn hòa; năm là đến cứu người trong cơn nguy cấp; sáu là phải quên mình nghĩ đến người; bảy là phải thu thuế, lấy lãi ít và phải biết tiết kiệm; tám là bỏ hận thù xưa”.

“có mười hai điều luôn phải nghĩ tới không bao giờ lãng quên: Một là khi gà gáy sáng đã nghĩ tới tội lỗi mà lo việc phúc đức để đền bù lại; hai là nhớ việc hầu hạ tôn thân; ba là gặp việc gì phải suy nghĩ dự bị trước; bốn là phải lo nghĩ lánh xa sự nguy hại; năm là phải nghĩ trước mới nói sau để khỏi phải lạc lầm; sáu là phải đến những kẻ lạc lầm mà đem lời trung chính dạy bảo nhắc nhở họ; bảy là nghĩ đến những kẻ nghèo khổ để thương xót cấp hộ; tám là phải lo làm việc bố thí nếu mình có của; chín là phải nghĩ đến sự ăn uống cho có chừng mực; mười là phải nhớ giữ sự công bình khi phân xử hoặc phân chia; mười một là phải nhớ đem ân đức ban rải dân gian; mười hai là phải thường nghĩ đến sự huấn luyện nếu mình là quân sĩ hay vua quan”.

mười lăm tội nặng: Một là sát sanh; hai là trộm cắp; ba là quen thói dâm ô; bốn là dối trá; năm là nịnh hót; sáu là chuốt ngót; bảy là dèm pha; tám là khinh bậc hiền sĩ; chín là tham sự ô trược; mười là buông lung; mười một là say sưa; mười hai là ganh ghét kẻ hiền; mười ba là hủy báng đạo đức; mười bốn là sát hại thánh nhân; mười lăm là không kể tội lỗi.”

“có mười cái hổ thẹn: Một là làm vua không hiểu chánh trị; hai là tôi thần mà vô lễ; ba là thọ ân không lo báo đáp; bốn là có tội lỗi không chịu chừa bỏ; năm là một vợ hai chồng hay một chồng hai vợ; sáu là chưa cưới mà có thai; bảy là tập hợp không thành; tám là có binh khí mà không thể chiến đấu; chín là kẻ bỏn sẻn không bố thí; mười là tôi tớ mà chủ không sai khiến được”.

có mười hai điều khó: Một là làm việc với người ngu; hai là yếu đuối không chống lại được với sức mạnh; ba là thù nhau mà ở chung một nhà; bốn là học ít mà đứng ra nghị luận; năm là nghèo hèn mà trả được nợ; sáu là ra trận không có tướng sĩ; bảy là thờ vua trọn đời; tám là học đạo mà mất tín tâm; chín là làm ác mà muốn quả báo đẹp; mười là sinh ra đời được gặp Phật; mười một là được nghe chánh pháp của Phật; mười hai là làm theo được chánh pháp ấy mà thành tựu”.

người có trí huệ, đại khái biết bốn mươi lăm việc: 1. Là sửa sang nhà cửa. 2. Là gây không khí hòa hợp trong gia đình. 3. Là giao thân với chính họ. 4. Là tin ở bạn bè. 5. Là theo học với bậc minh sư. 6. Là làm việc gì quyết cho thành tựu. 7. Là tài trí cao rộng.8. Là mọi hành vi đều hướng về việc lành. 9. Là giàu sang thì lo làm việc ân đức. 10. Là tạo tác và sửa sang đều phải thận trọng.11. Là có của phải mở mang sự nghiệp. 12. Là không giao của cải cho con cái nếu chúng còn quá nhỏ. 13. Là kết bạn với người hiền. 14. Là không quá tin những ai vừa mới quen biết. 15. Là tiền của ở chỗ huyện quan phải đem về đừng để lâu. 16. Là mua bán đổi chác phải thật thà, không lường gạt. 17. Là dời ở nơi nào phải đến xem trước. 18. Là đến đâu phải biết đó giàu hay nghèo, quý hay tiện. 19. Là phải giao thiệp thân cận với người lành. 20. Là phải nương tựa vào một thế lực. 21. Là đừng tranh hơn kém với kẻ cường bạo. 22. Là xưa giàu mà nay suy thì có thể mong phục hưng cơ nghiệp. 23. Là nếu bần khổ thì đừng có cao vọng to tát. 24. Là có của quý không keo với người. 25. Là việc bí mật đừng nói cho vợ nghe. 26. Là làm vua phải kính người hiền đức. 27. Là phải ăn ở có hậu, nhất là bậc trung chính. 28. Nếu là thanh liêm, có thể dùng trị nước, hay có thể đứng ra trị nước. 29. Là gặp việc phải lo lập công. 30. Là trong công cuộc giáo hóa, lấy sự hiếu thuận làm căn bản. 31. Là phép của ông thầy là quý sự ôn hòa, như thế học trò đủ cung kính. 32. Là thầy có nhiều học trò, phải dạy chúng làm việc trung nghĩa. 33. Là làm thuốc phải hiệu nghiệm, nghề còn vụng chớ đem ra thi thố. 34. Là đau ốm phải nghe lời thầy thuốc. 35. Là ăn uống phải giữ cho có độ lượng. 36. Là có của ngon vật lạ chia sẻ cho nhau, đừng tiếc. 37. Là cho ai, hoặc cho ai mượn gì, phải tự tay mình trao cho họ. 38. Là làm chứng cớ cho người chính. 39. Là đừng vu oan cho kẻ vô tội. 40. Là khuyên can sự oán giận và làm cho sự thuận thảo trở về giữa hai người. 41. Là nhẫn nại và xa lánh việc ác. 42. Là đừng phân biệt giàu nghèo mà ở với người. 43. Là lấy sự thuận hòa làm quý. 44. Là theo đạo phải giữ giới. 45. Là lấy sự trong sạch làm quý hơn tất cả”

11 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn Huyền!
    Đường link có nhiều sách hay, rất nhiều thuật ngữ mà bây giờ mình mới hiểu cặn kẽ.

    Trả lờiXóa
  2. Linh xem đường link này sẽ có đầy đủ các loại kinh sách và pháp âm. Chúc vui.
    http://www.thuvienhoasen.org/

    Trả lờiXóa
  3. Thanks,
    Ngày xưa Đường Tam Tạng phải mất bao nhiêu năm trời, vượt qua muôn ngàn khổ ải mới đến được Tây Trúc vậy mà nay mình chỉ cần Enter một cái là đến được Tây Trúc rồi vậy còn gì mà không tới nữa. Nói vậy thôi chứ Tây Trúc, Tây Phương Cực Lạc ở ngay trong tâm mình mà hằng hà xa số kiếp, hằng hà xa số người cũng có đến được đâu.
    Phật giáo coi trọng việc thực hành tu tập, kết hợp chặt chẽ giữa giáo lý và thực hành.
    Chúc mọi người vui vẻ.
    Nam Mô A Di Đà Phật.

    Trả lờiXóa
  4. Là nam giới lại còn trẻ như Linh mà đã tin sâu vào Phật pháp quả là không nhiều đâu, thề nào mà ngày xưa đi học Linh học giỏi là phải hi hi. Mình cũng đang cố gắng thuyết phục ông xã mà thấy khó quá, cũng có tiến bộ nhưng chưa nhiều. Mình có một đĩa nén rất hay tên là "Niệm Phật Chỉ Nam" định gửi cho Linh - Hà qua mail nhưng nặng quá nên vẫn chưa có cách nào gửi được.

    Trả lờiXóa
  5. Nói theo ngôn từ Phật học thì có lẽ là mình có duyên với giáo lý nhà Phật, có duyên với giáo lý thôi đấy nhé, còn nếu có duyên với nhà phật thì phải có duyên tu tập, có duyên nghiền ngẫm kinh điển. Kinh phật đã tồn tại hơn 2000 năm rồi, đã tồn tại là phải có lý, nếu không có lý thì không thể tồn tại, đã có lý thì việc tin theo cũng là đương nhiên, cũng như việc trái đất quay quanh mặt trời đã diễn ra từ lúc khai sinh đến giờ, tại sao nó lại quay thế? nhưng nó đã quay như thế từ rất rất lâu rồi và nó có lý thì mới có chúng ta ngồi suy nghĩ như bây giờ.
    Tớ cũng không muốn lý sự nhiều chỉ thấy rằng mình dựa vào giáo lý nhà Phật đã cảm thấy yên bình và hạnh phúc rồi chưa nói tới việc thực hành tu tập theo pháp môn nào đó.
    Phật giáo chủ chương cứu độ theo phương pháp dẫn dụ chứ không cuồng tín hay cưỡng ép, việc gì đến sẽ đến, như cơn mưa mùa xuân sẽ cho cây cối đâm chồi nảy lộc, bạn Huyền đừng sốt ruột mà ép buộc ông xã sẽ đem lại phản ứng ngược không mong muốn.
    Hôm nào rảnh mang đĩa tới công ty tớ sẽ qua mượn.
    Thanks.
    Nam Mô A Di Đà Phật.

    Trả lờiXóa
  6. Đĩa đấy mình được cho, hi hi. Hôm nọ ở cơ quan mình có bố của một bạn bị mắc bệnh ung thư, mình đưa cho bạn ý mang về cho ông nghe, chỉ copy lại một bản lưu trong máy tính thôi. Khi ông mất, bạn ý không tìm thấy đĩa, không biết thất lạc đâu mất rồi. Để hôm nào mình mày mò rồi sẽ copy sang đĩa khác rồi gửi cho Linh vậy.
    Ông xã mình tuy chưa tin nhiều, nhưng cũng tạo điều kiện lắm, có thời gian rỗi cũng hay đưa cả nhà đi chùa, mình tin dần dần cũng sẽ ngộ ra bởi như vậy cũng là có duyên rồi.

    Trả lờiXóa
  7. Đà Lạt
    Mình thấy hình như Linh iêu từ năm....mà mình là cố vấn, L nhớ hong...vậy thì làm sao mà L có duyên với nhà Phật được. hihi

    Trả lờiXóa
  8. Mình thì rất sòng phẳng với tất cả các vị thánh thần.Dù là Phật tổ,là Chúa Giê su hay là vị thần nào đi nữa mình đều rất công bằng.Hôm xưa mình dẫn đối tác đi chơi chùa Bái Đính và nhà thờ đá Kim Sơn.Khi khấn hay cầu nguyện đều chỉ xin ban cho sức khỏe và HP:"Con kính chào các vị.Con đến đây để vãng cảnh chứ chủ tâm con ko phải đi lễ Phật.Con nói dối hay nói thật thì các vị là thánh thần nhìn rõ hơn hết.Gặp các vị ngụ tại đây thì cũng chỉ xin các vị mở lòng ban cho con và gia đình sức khỏe và HP chứ con ko giống người ta bỏ cho các vị 1 ngàn nhưng xin các cụ đến vài tỷ.Con chơi sòng phẳng với các vị.Còn tội lỗi thì trần thế ai cũng có.Con cũng chẳng xin các vị tha thứ.Có tội thì các vị cứ phạt sao cho xứng đáng...."
    Mình đi đâu cũng khấn vậy.Tạo hóa rất công bằng.Chẳng cho không ai cái gì và cũng chẳng lấy đi của ai cái gì mà ko có giá cả.Phật hay Chúa hay các vị khác cũng là một phần của tạo hóa.Mình cứ thanh thản với gì mình có và cố gắng để mình tìm thấy đc niềm hăng say và hứng thú trong những việc mình làm.Đúng hay sai,phải hay trái thì cứ để xã hội phán quyết.Chẳng có gì là tuyệt đối cả.Một việc làm có thể sẽ bị XH lúc này phán quyết là sai trái nhưng vào một thời điểm khác,XH khác sẽ đc phán quyết là đúng...XH là muôn màu và đa chiều..Còn ta chỉ là một và phải thay đổi để phù hợp với XH mà ta đang sống..Quan niệm của tớ chỉ đơn giản là như vậy..:)

    Trả lờiXóa
  9. Chào các bạn,
    Điều gì làm cho hai vật tương tác với nhau đó gọi là lực hấp dẫn, theo như sách giáo khoa, điều gì khiến tôi biết, gặp các bạn, phải có một nguyên nhân nào đó gọi là duyên, (theo tớ hiểu là như vậy). Khi bạn nhìn thấy một mái chùa, đọc hoặc nghe một câu kinh Phật tức là bạn đã có duyên với nhà Phật rồi. Tớ muốn hỏi rằng đã có bạn nào chịu đọc, nghe hoặc suy ngẫm kinh Phật đến 5, 10, 15 phút đồng hồ chưa? Có lẽ rất ít. Cửa Phật vốn đại từ, đại bi luôn rộng mở với tất cả mọi người, những người đến chùa, thắp hương, khấn vái chưa hẳn đã phải là Phật tử. Những người tin vào nhân quả đến chùa với một tâm nguyện mong muốn cảnh chùa sẽ giúp họ dễ dàng lắng đọng tâm hồn mình, gạt bỏ mọi tham vọng, ưu phiền tìm về với chính cái tâm Phật của mình thì người đó mới là phật tử. Bạn là một vị Phật và bạn chỉ nhận ra điều ấy khi bạn biết tu tập tìm về với chính mình. Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, Ngài không có cái quyền năng ban phát hay trừng phạt bất kỳ một chúng sinh nào (kể cả súc sinh, ma quỷ), nếu như Ngài có quyền năng đó thì quả là Ngài quá bất công và không đáng tôn thờ. Mọi hành động, lời nói, suy nghĩ của chúng ta hôm nay (kiếp trước) sẽ ban phát hoặc trừng phạt chúng ta ngày mai (kiếp sau), không ai có thể cứu giúp chúng ta thoát khỏi tội lỗi ngoài chính bản thân mình, chỉ khi nào tôi, bạn xám hối, tin theo, nghĩ theo, làm theo lời Phật dạy thì mới cứu giúp được chính mình. Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã là một con người bình thường như chúng ta nhưng Ngài đã làm được cái việc phi thường là Ngài đã tìm ra chân lý, tìm ra được nguyên nhân của mọi sự khổ đau, tìm ra được phương pháp diệt trừ nỗi đau khổ đó, Ngài đã làm theo pháp đó và Ngài đã thành Phật, với tấm lòng từ bi Ngài đã tìm mọi cách để đem pháp đó đến với chúng ta để mỗi chúng ta cũng có thể trở thành Phật, chấm dứt luân hồi, đau khổ. Chính vì trí tuệ và từ bi mà Ngài được tán thán, tôn thờ bất diệt.
    Bạn có tội, bạn sẵn sàng nhận tội, rất tốt, rất đáng khen, nhưng nhận tội, chịu tội xong rồi liệu bạn có còn không gây nên tội nữa không? Điều này ai dám khẳng định đây? Chỉ có Phật mới biết vì Ngài đứng ngoài cái vòng quay điên đảo của chúng ta, cũng như người trên sao Hỏa mới nhì thấy Trái Đất quay.
    Nam Mô A Di Đà Phật tức là quy về Phật A Di Đà, quay về hạnh phúc chân thật, lời nói này hơn ngàn vạn lần lời chúc tụng của chúng ta.
    Nam Mô A Di Đà Phật.

    Trả lờiXóa
  10. nghe các bạn thảoluận hay quá , bạn nào cung có cái lý của minh, mình nghĩ mỗi chúng ta đều đang đi tìm cái tôi của chính mình, và làm cho mình ngày càng hoàn thiện hơn

    Trả lờiXóa
  11. Chào các bạn. Các bạn xem ý kiến của mình tại mục "Buông bỏ để sống vui vẻ hơn" vì có lẽ dài quá nên không đăng tiếp vào đây được :). Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ.

    Trả lờiXóa