Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Bạn hiểu gì về người phụ nữ? Tôi thương người phụ nữ

Đã từ lâu tôi rất muốn viết một bài về chủ đề này để chia sẻ cùng các bạn trên blog của lớp mình. Có thể những điều, những quan điểm tôi nêu ra đây còn nhiều điểm mang tính phiến diện hoặc do khả năng viết chưa tốt mà không toát hết được ý tôi định diễn tả. Dù vậy, tôi cũng mạo muội viết ra đây mong nhận được sự chia sẻ và đóng góp ý kiến từ các bạn.

Bạn hiểu gì về người phụ nữ?

Mỗi chúng ta, nếu bản thân không phải là phụ nữ thì cũng có thể có bà, mẹ, chị/em gái, vợ, hoặc con gái, bạn gái, đồng nghiệp nữ... Đã bao giờ bạn tự hỏi mình đã hiểu gì về những người phụ nữ của mình, xung quanh mình hay chưa?

Tôi thấy phụ nữ Việt Nam mình có rất nhiều tính cách rất đáng quý. Người phụ nữ thường rất biết hy sinh vì người khác, tần tảo, chịu thương chịu khó. Tuy vậy, trong bài này, tôi chỉ muốn đề cập đến những điểm yếu của người phụ nữ và nguyên nhân của việc đó.

Trước đây và đến bây giờ, tôi  được nghe rất nhiều người phàn nàn về phụ nữ. Đối tượng phổ biến thường là các ông chồng (hẳn rồi) là những người quen hoặc đồng nghiệp nam của tôi và cả chị em phụ nữ mình với nhau nữa, tại sao vậy? Nhiều khi tôi cứ băn khoăn tự hỏi rồi lại cố tự tìm lời giải đáp cho mình. Tôi nghĩ, đối với các ông chồng, nhiều khi việc nói xấu vợ nơi công sở hoặc với bạn bè cũng là một việc để giải trí và giúp họ giảm được một chút bức xúc về một số tật xấu của người bạn đời. Nhưng ngược lại, tôi cũng phải công nhận rằng người phụ nữ rất dễ mắc phải một số tật rất xấu như ghen ghét, buôn chuyện, thêm thắt thông tin quá mức, hay để ý, nói móc, mỉa mai.... Nói thật là những tật xấu đó làm mất đi sự đáng yêu, vẻ đẹp của người phụ nữ rất nhiều. Những tật xấu ấy do đâu mà ra và làm thế nào để hạn chế chúng?

Người phụ nữ khi đi lấy chồng rồi, họ phải lo rất nhiều việc. Cơm, áo, gạo, tiền, chồng, con, việc nhà chồng, việc nhà mình, việc cơ quan.... khiến người phụ nữ phải lo toan, tính toán rất nhiều, làm cho họ dù không muốn cũng rất dễ bị nhỏ nhoi, chi li đi nhiều hơn trước. Những khó khăn trong cuộc sống, những áp lực và đòi hỏi từ nhiều phía khiến họ cau có, hờn giận, so bì rồi cứ bị xấu dần đi. Nhiều người phụ nữ khi đi lấy chồng rồi họ dành quá nhiều tình cảm cho chồng. Họ coi chồng là một cái gì đó rất lớn lao, họ quan tâm, bảo vệ chồng quá mức dẫn đến ghen tuông, hờn giận, mệt mỏi cho cả hai bên. Người phụ nữ khi còn đang yêu thường được rất chiều chuộng nên khi phải đối mặt với cuộc sống hôn nhân thực tế họ rất dễ bị thất vọng. Họ cứ nghĩ rằng tình yêu sẽ mãi đẹp thế và không chấp nhận được khi có sự thay đổi quá mức như vậy. Thế là bi kịch xảy ra. Không những thế, người phụ nữ còn dễ gặp xung đột với gia đình chồng do sự khác biệt về cách nghĩ, nếp sống, quan điểm.... Những điều đó khiến họ dần đánh mất đi vẻ đẹp vốn có của mình và cũng không biết cách đề phòng để bảo vệ mình trước những tật xấu trong cuộc sống.

Hãy biết cảm thông, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ để giúp cho những người phụ nữ của mình trở nên tốt hơn bạn nhé.

Tôi thương người phụ nữ

Khi tôi còn nhỏ, tôi thường chán ghét vì mình là con gái. Tại sao ư? Vì nhà tôi có tới những 4 "vịt giời" (xin chú thích đây là cách người đời hay gọi bọn tôi như thế). Bố mẹ tôi luôn khát khao có một người con trai và họ cứ phải cố mãi cho đến khi sinh em thứ 3 của tôi vẫn là gái thì họ buộc phải dừng lại. Nhiều người, kể cả người thân bên nội của tôi đều cho đấy là lỗi của mẹ tôi "không biết đẻ". Có người còn nói thẳng với tôi là sau này tôi lấy chồng cũng sẽ chỉ sinh được con gái, vì bà tôi và mẹ tôi đều như vậy. Vì sự phân biệt như thế nên tôi buồn lắm, rất hay khóc thầm một mình.

Nhưng khi lớn lên, lấy chồng, có con rồi hiểu hơn về cuộc sống, tôi thấy thương bố mẹ vô cùng. Tôi cũng hiểu được tại sao người ta lại cứ mong muốn đẻ cho được một người con trai nối dõi. Thời xưa, khi kinh tế khó khăn, nếu đẻ con gái ra, lớn lên là đi lấy chồng, bỏ lại bố mẹ không ai chăm sóc. Người phụ nữ thời xưa lại phụ thuộc rất nhiều vào chồng về kinh tế. Rồi khi sinh con, họ lại phải lo lắng cho con cái của mình không còn thời gian cho bố mẹ nữa, ai cũng bảo "nước mắt chảy xuôi", mình nuôi con rồi con mình lại nuôi cháu mình... và đôi khi xao lãng trách nhiệm đối với bố mẹ già. Mà mỗi gia đình theo quan niệm của người Việt Nam thì ít nhất cũng phải có 2 đứa con nên đến khi nuôi con trưởng thành rồi thì có khi chẳng còn bố mẹ để mà có thể quan tâm được nữa. Người phụ nữ do cá tính hay e sợ của mình còn rất hay sợ chồng, sợ gia đình chồng nên không dám quan tâm nhiều cho bố mẹ đẻ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó chính là lý do mà người Việt Nam mình trước đây ai cũng muốn, và cố sinh cho được con trai.

Tôi nói như vậy không phải để ủng hộ cho quan điểm trọng nam khinh nữ mà chỉ muốn giải thích nguyên nhân về một hiện tượng mà cho đến thế hệ của chúng ta hiện nay cũng còn khá phổ biến. Tôi thực sự rất lấy làm bất bình mỗi khi thấy người ta khích bác nhau về chuyện "không biết đẻ thằng cu". Tôi cũng mong muốn rằng mỗi người như chúng ta sẽ cố gắng một chút để dần dần thay đổi được quan niệm đã tồn tại biết bao đời nay. Để được như vậy, mỗi người phụ nữ cần biết quan tâm đến bố mẹ mình hơn, mỗi người đàn ông hãy tạo điều kiện cho vợ mình có điều kiện thăm nom, giúp đỡ, báo hiếu cho bố mẹ mình và cũng cần có trách nhiệm đối với gia đình vợ. Dù là đàn ông hay phụ nữ thì cũng đều do mẹ chín tháng mang thai, bố mẹ nuôi nấng, dạy dỗ mấy chục năm trời mới nên người, tại sao lại coi trọng nhà nội hơn nhà ngoại?

Có thể bài viết của tôi còn nhiều chỗ khô cứng và có vẻ như mang tính giáo điều. Nhưng thực sự đó là tâm sự mà tôi rút ra từ chính cuộc sống của mình và những gì tôi nhìn thấy xung quanh mình.

Tôi cũng muốn đến một lúc nào đó có thể viết một bài về người đàn ông, hoặc nếu bạn nào có thể viết một bài về chủ đề này để giúp chị em chúng tôi có hiểu biết tốt hơn về cánh đàn ông thì tốt quá.

Thân mến,

Thu Huyền

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Tản mạn

SÁM HỒNG TRẦN

Cuộc hồng trần xoay vần quá ngắn!
Kiếp phù sinh tụ tán mấy hồi.
Người đời có biết chăng ôi?
Thân này tuy có, có rồi hoàn không!
Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng,
Mơ màng say mãi giấc nồng mà chi.
Làm cho buồn bã thế ni,
Hôm qua còn đó, bữa nay mất rồi.
Khi nào đứng đứng ngồi ngồi,
Bây giờ thiêm thiếp như chồi cây khô.
Khi nào du lịch giang hồ,
Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài.
Khi nào lược giắt trâm cài,
Bây giờ gửi xác ra ngoài đồng hoang.
Khi nào trau ngọc chuốt vàng,
Bây giờ một nắm xương tàn lạnh tanh.
Khi nào mắt đẹp mày xanh,
Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu.
Khi nào lên các xuống lầu,
Bây giờ một nắm cỏ sầu xanh xanh.
Khi nào liệt liệt oanh oanh,
Bây giờ một trận tan tành gió mưa.
Khi nào ngựa lọc xe lừa,
Bây giờ mây nước trắng đưa mơ màng.
Khi nào ra trướng vào màn,
Bây giờ nhà cửa xóm làng cách xa.
Khi nào mẹ mẹ, cha cha,
Bây giờ khuất núi cách xa muôn trùng.
Khi nào vợ vợ, chồng chồng,
Bây giờ trăng khuyết còn mong chi tròn.
Khi nào cháu cháu, con con,
Bây giờ hai ngã nước non xa vời.
Khi nào cốt nhục vẹn muời,
Bây giờ là héo nhành tươi vui gì.
Khi nào bạn hữu xum vầy,
Bây giờ chén rượu cuộc kỳ hắt hiu.
Tấm thân như tấc bóng chiều,
Như chùm bọt nước phập phiều ngoài khơi.
Xưa ông Bành Tổ sống đời,
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu.
Sang mà đến bực công hầu,
Giàu mà đến bực bấy lâu Thạch Sùng,
Nghèo mà đói khát lạnh lùng,
Khổ mà tóc cháy da phồng trần ai,
Phù du sớm tối một mai,
Giàu sang cũng chết xạc xài cũng vong.
Thông minh tài trí anh hùng, 
Ngu si dại dột cũng chung một gò,
Biển trần nhiều nỗi gay go,
Mau mau nhẹ gót qua đò sông mê...